GS, TS Nguyễn Trọng Nhân - "Cây đại thụ" ngành nhãn khoa Việt Nam
Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, GS, TS Nguyễn Trọng Nhân là bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng trong nước và quốc tế. Giáo sư đã giữ nhiều cương vị, Viện trưởng Viện Mắt Trung ương, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam, Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội chất độc da cam. Ông đã qua đời vào lúc 11 giờ 15 phút, ngày 6-7-2017, hưởng thọ 87 tuổi.
Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, GS, TS Nguyễn Trọng Nhân là bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng trong nước và quốc tế. Giáo sư đã giữ nhiều cương vị, Viện trưởng Viện Mắt Trung ương, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam, Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội chất độc da cam. Ông đã qua đời vào lúc 11 giờ 15 phút, ngày 6-7-2017, hưởng thọ 87 tuổi.
GS, TS Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Trọng Nhân, sinh ngày 4-10-1930, quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Giáo sư từng tham gia bộ đội, từng đánh trận Tây Bắc. Từ năm 1953 đến 1960, ông được cử đi học y khoa tại Trường đại học Y khoa Sechenov (Moscow - Liên Xô). Trong thời gian này, ông đã nghiên cứu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Philatốp, Odessa, Liên Xô.
Từ năm 1964, GS về Việt Nam và công tác Viện Mắt Trung ương, sau này tham gia giảng dạy và Chủ nhiệm bộ môn Mắt tại Trường đại học Y Hà Nội. Là một người ham thích làm khoa học, ông từng nói “chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm lãnh đạo, vì cảm thấy công việc quản lý rất phức tạp, rắc rối”. Vậy mà ông lại lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Viện phó, Viện trưởng rồi Bộ trưởng một cách hết sức tự nhiên. Nhưng dù đứng trong vai trò cương vị nào, GS vẫn luôn thực hiện chức trách được giao một cách tốt nhất.
Sinh ra trong một gia đình cách mạng, được đọc nhiều sách báo tiến bộ của Việt Minh, tinh thần dân tộc đã được hun đúc từ nhỏ, cho nên năm 1945, khi trường học chuyển từ Hà Nội về Hưng Yên, chàng trai 15 tuổi ấy đã tham gia cướp chính quyền ở Hưng Yên. Sống trong không khí sục sôi cách mạng lúc đó, ai cũng bị lôi cuốn theo dòng thác cách mạng. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, anh trai ông nhập ngũ, ông muốn theo đi nhưng cha lại khuyên ở nhà với mẹ. Năm 1950, lúc đó nổi lên phong trào học sinh tòng quân, gia đình ông lại đang sơ tán về Hà Nam, ông đã từ biệt mẹ lên đường tòng quân.
GS vào học Trường sĩ quan Pháo binh và được bổ sung vào đại đoàn 312. Năm 1953, có lệnh từ trên xuống lựa chọn một số chiến sĩ có trình độ văn hóa cho đi học tập ở Liên Xô để về phục vụ đất nước sau khi kháng chiến kết thúc. Ông cùng với một số người được cử đi học ở Liên Xô, là đoàn thứ hai sang đó học. Trong câu chuyện với bạn bè, đồng chí, GS tâm sự: “Từ tham gia cách mạng, cướp chính quyền, nhập ngũ và được cử đi học, tất cả đều trên cơ sở tinh thần yêu nước. Lúc đó, tất cả mọi người đều bị lôi cuốn bởi một tinh thần dân tộc cao cả. Tinh thần dân tộc là giá trị lớn nhất lúc đó...”.
GS Nguyễn Trọng Nhân và hai bệnh nhân được ghép giác mạc nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân còn là một thầy thuốc tận tâm, một nhà giáo mẫu mực, một nhà hoạt động xã hội tích cực. Khi công tác tại Viện Mắt Trung ương, GS đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới áp dụng vào công tác khám, điều trị cho bệnh nhân về mắt. GS cũng là một trong những người tiên phong trong việc áp dụng phương pháp ghép giác mạc, điển hình là ca ghép cho thương binh bị mù hai mắt do đạn pháo Lê Duy Ứng.
Bằng phương pháp ghép giác mạc, GS đã đem lại ánh sáng, đem lại hạnh phúc và cuộc sống mới cho những bệnh nhân không nhìn thấy được do bệnh lý giác mạc gây ra. Khi GS vừa là bác sĩ chữa bệnh, vừa là nhà quản lý, ông đã cùng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ viên chức xây dựng bệnh viện ngày một phát triển, nhằm phục vụ bệnh nhân tốt nhất.
Trong giai đoạn 1964 - 1985, ông công tác tại Viện Mắt Trung ương. Sau này tham gia giảng dạy và làm Chủ nhiệm Bộ môn Mắt, Trường đại học Y Hà Nội. Ông lần lượt giữ cương vị Phó Viện trưởng, rồi Viện trưởng Viện Mắt Trung ương. Đến tháng 10-1992, GS, TS Nguyễn Trọng Nhân đảm nhận cương vị Bộ trưởng Y tế kiêm Viện trưởng Viện Mắt Trung ương, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam.
TTK TLĐLĐ VN Phạm Thế Duyệt tặng bằng LĐ sáng tạo đặc cách đầu tiên của TLĐ cho Ts. Nguyễn Trọng Nhân
GS Nguyễn Trọng Nhân được biết đến là một trong những chuyên gia đầu ngành của nhãn khoa Việt Nam, là một người thầy giáo mẫu mực đào tạo hướng dẫn cho hàng trăm các bác sĩ nhãn khoa, trong đó có những người nổi tiếng trong ngành nhãn khoa trong và ngoài nước sau này. Có thể kể đến như: GS Tôn Thị Kim Thanh, GS Đỗ Như Hơn, PGS Hoàng Minh Châu,...và nhiều giáo sư, tiến sĩ khác.
Gs. Nguyễn Trọng Nhân và Gs. Fred Hollows trao đổi về máy hiển vi phẫu thuật, 1982
Trong công tác quản lý, ông là người thẳng tính, luôn chủ trương chống tham nhũng. Khi về nhậm chức Bộ trưởng Y tế, ông cho thanh tra và phát hiện ra nhiều sai trái trong việc quản lý ở một số đơn vị, chủ trì nhiều cuộc họp hội đồng kỷ luật để xử lý những cá nhân sai trái… Ngoài ra, ông cũng là một đại biểu Quốc hội thẳng thắn phê phán cái xấu, lên án và đòi hỏi chống tham nhũng đến nơi đến chốn trong suốt các nhiệm kỳ (khóa IX, X) mà ông tham gia.
Gs. Nguyễn Trọng Nhân phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu Hội Nhãn khoa Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020
GS, TS Nguyễn Trọng Nhân là vị Bộ trưởng đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ (tháng 3-1994). Sau đó, năm 2000, khi sang thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã hủy nhiều cuộc gặp quan trọng khác để dành 15 phút gặp ông, lúc này ông không còn ở cương vị Bộ trưởng Y tế nữa mà chỉ là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Biết thời gian ngắn ngủi 15 phút sẽ khó để nói được nhiều điều, ông đã viết sẵn một bức thư tâm huyết gửi ngài Tổng thống Hoa Kỳ.
Trân trọng những tâm huyết của người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã trả lời ông: “Cảm ơn bức thư đầy xúc động của Ngài đã bày tỏ tâm huyết đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tôi xin chia sẻ với Ngài mối quan tâm lo lắng về những khó khăn, bệnh tật và tâm lý mà các nạn nhân đang phải đối mặt. Tôi cho rằng, hai nước chúng ta cần thiết phải làm cùng lúc nghiên cứu khoa học và nỗ lực trợ giúp nhân đạo cho các nạn nhân”.
Khi bắt đầu giữ vị trí Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (1987) ông hiểu rõ về nỗi đau mà các nạn nhân da cam/dioxin phải gánh chịu. Công việc trong Hội Chữ thập đỏ đã đưa ông đến gần hơn, hiểu hơn và lương tâm bắt buộc ông phải lên tiếng.
GS Nguyễn Trọng Nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng ba; Huân chương Lao động hạng nhất, hạng ba; Huy chương Chiến thắng hạng nhất; Huân chương Chữ thập đỏ Hàn Quốc, Nhật Bản; Bằng khen của Hội Nhãn khoa châu Á - Thái Bình Dương… và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, GS Nguyễn Trọng Nhân đã đóng góp rất nhiều cho ngành y nói chung, ngành nhãn khoa nói riêng, tuy nhiên ông vẫn luôn khiêm tốn coi đó là những đóng góp nhỏ cho xã hội, cho cuộc đời...